VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Điểm lại quan niệm về hồi ký và các hồi ký đã in trong khoảng 1990-2000

Khoảng 1965-70, khi tôi mới bước đầu làm quen văn học Nga – xô viết thì cũng là lúc nền văn học này, sau 50 năm phát triển, bước vào giai đoạn tổng kết, mà một trong những cách cách tổng kết lôi cuốn nhất là việc các nhà văn dành nhiều tâm huyết viết hồi ký.
Nhờ đó tôi đã được đọc Chuyện đời tôi của K Paustovsski, Cỏ lãng quên của V.Kataev, Không ngày nào không viết mấy dòng của J.Olesa và nhất là cuốn Con người năm tháng cuộc đời của I.Erenburg, một cuốn hồi ký đồ sộ nó giống như một thứ bách khoa thư của văn học Nga nửa đầu thế kỷ XX. Mới đầu tôi được anh Nguyễn Thụy Ứng cho mượn bản in trên Novyi mir, tiếp đó được đọc bộ này trong Tuyển tập chín cuốn của nhà văn. Sau này tôi đã cùng với các đồng nghiệp khác dịch một số chương trong cuốn Hồi ký nói trên làm thành tập Những người cùng thời in ra ở Nxb Văn học.

 Cũng thời gian 1965-1970, trong các câu chuyện mà các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, Trần Đĩnh kể với tôi, các anh nhớ tới các hồi ký của A.Maurois, nhất là bộ Phản hồi ký của A. Malraux.
 Tôi nghe lõm bõm, song lại rất nhớ cái quan niệm về hồi ký ẩn sau các cuốn sách đó.
 Trước sau 1965, các hồi ký của các nhà văn VN bắt đầu lác đác xuất hiện. Khi những Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan, Bước đường viết văn của Nguyên Hồng và Tự truyện của Tô Hoài in ra tôi đều đọc cẩn thận và có ghi chép riêng về từng tập.
 Tới khoảng thời gian từ 1989/1990 cho tới trước sau 2000, khi giữ trang văn học cho tờ Thể thao & văn hóa, tôi càng có dịp theo dõi thể hồi ký, và nhờ đó đã viết được một chùm bài về thể văn, sau in lại trong cuốn Chuyện cũ văn chương 2001, và hôm nay đưa lại làm hai kỳ.
 Trong chùm bài này còn có bài viết mang tên Con mắt Tô Hoài bóng dáng Nguyễn Tuân liên quan tới Cát bụi chân ai , xem Ba bài viết ngắn về Tô Hoài  nhưng vì bài viết đã được đưa trên blog  phần về Tô Hoài, nên tôi không đưa lại vào đây.
 Về các hồi ký được in ra từ sau 2000, tôi cũng có viết được thêm mấy bài, sẽ tiếp tục đưa trong các kỳ tới.

                                              
                                        Bản tổng kiểm kê của mỗi cuộc đời.



Hiểu hồi ký văn học như thế nào?
A. Malraux, nhà văn Pháp, hiện đại, từng viết đại ý “chỉ có hồi ký là những cái đáng viết”. Có vẻ như ông muốn nói người ta chỉ thành công khi viết về những cái mình thành thạo hơn cả. Mà chỗ thành thạo đó, thường là chính mình.
Không chắc là nhận xét đó của Malraux bao giờ cũng đúng.
 Có nhiều người giả dối cả khi viết nhật ký (là thứ viết cho chính mình) đừng nói chi đến hồi ký (là thứ viết cho bạn đọc). Và trên đời này, mấy ai dám chắc tự hiểu về mình một cách thấu đáo?!
Thế nhưng, ít ra nhận xét đó cũng đúng với một số người trong đó có I.Ehrenburg, cây bút có một số phận tiêu biểu cho nhiều nhà văn thế kỷ XX.
Khi còn sống, I.Ehrenburg nổi tiếng là người viết nhiều, viết khoẻ, các nhà xuất bản ở Liên Xô đã ba lần làm tuyển tập cho ông, mỗi lần một khác.
Vậy mà nếu chọn ra tác phẩm làm cho I.Ehrenburg nổi tiếng hơn cả, thì phải kể là bộ hồi ký Con đường, năm tháng, cuộc đời ông viết khi đã 70.
Ở đó, tác giả kể ra nhiều chuyện thuộc về hậu trường văn học.
Ở đó, nói nôm na, ông lật tẩy mình và nhất là lật tẩy nhiều bè bạn cũ, những người đương thời, lật tẩy một cách ngang ngược, nhưng vẫn đau xót, thông cảm.
Trong cuốn hồi ký hàng ngàn trang ấy, không phải bao giờ Ehrenburg cũng có cái nhìn đúng đắn, thậm chí khó nói là ông hoàn toàn thành thật, chỉ có điều chắc là ông đã viết rất chủ quan, tức chỉ tôn trọng trí nhớ của mình.
 Đấy chính là lý do khiến nhiều người, cả người Nga, lẫn người Mỹ, người Anh, người Nhật… dù khó chịu với tác giả, vẫn thích đọc. Một nhà văn đã nói thẳng ra rằng bắc cân lên mà tính, tập hồi ký này còn “nặng” hơn tất cả những gì Ehrenburg đã viết từ trước. Chỉ có một ông già khôn ngoan quỷ quyệt mới có một cuộc kiểm kê đời mình thông minh đến thế.
Người ta thường nói sống giữa nền văn minh kỳ lạ của thế kỷ XX con người cảm thấy hết sức đơn độc.

Một thể tài mới mẻ
Lẽ đương nhiên, loại hồi ký đóng vai trò “tôi lật con bài của tôi” như hồi ký của Ehrenburg loại đó rất nhiều, ở nền văn học nào người ta cũng bắt gặp vài ba cuốn.
Nhìn vào tình hình hồi ký ở Việt Nam phải nói ngay là thể loại này đối với chúng ta còn đang xa lạ. Đây đó, chỉ mới thấy in một số hồi ký của các nhà văn kỳ cựu như Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan, Bước đường viết văn của Nguyên Hồng, Hồi ký của Đặng Thai Mai, Từ bến sông Thương của Anh Thơ, Những năm tháng ấy của Vũ Ngọc Phan, nếu tính cả sách in ở Sài Gòn trước 1975 thì có thể tạm kể  Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng, Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vĩ v.v…
Nhưng hầu hết các cuốn sách ấy không gây được tiếng vang lớn.
 Không kể một số cuốn viết dang dở, chưa bắt được vào các mạch chính của câu chuyện, chưa chạm đúng vào khu vực người đọc muốn tác giả “hồi tưởng và suy nghĩ”, một căn bệnh chung của các cuốn còn lại là không khai thác hết những khả năng mà thể loại cho phép:
+ hoặc thiên về kể những chuyện vặt, chuyện tào lao mà thiếu một tầm vóc khái quát,
+ hoặc giản dị hơn, bắt tay viết hồi ký vào lúc tâm lý đã dở chứng, nặng về ca công tụng đức, chỉ chăm chăm tô vẽ cho chính mình, nên độc giả khó tin.
Ấy là không kể những trường hợp nhớ sai, nhớ nhầm: trong khi ở nhiều nước, nhà văn viết hồi ký thường sử dụng người giúp việc, người sưu tầm, tài liệu, thì nhà văn Việt Nam chỉ đánh vật với trí nhớ, nên có nhớ nhầm cũng là chuyện dễ hiểu.
 Thậm chí đã có những sai lầm quá đáng đến mức đọc xong hồi ký, người đọc ngờ ngợ, không rõ tác giả định làm hồi ký hay viết tiểu thuyết.
Có trường hợp đọc lại sinh ra kiện tụng nhau nữa.
Cái đó quá phiền, không chỉ làm cho nhiều bạn đọc nghi ngại, mà cả một số nhà văn cũng đâm chán không muốn bước vào cuộc tổng kiểm kê đời mình nữa.

Nhân tiện, một câu hỏi khác được đặt ra: khi nào thì nhà văn nên viết hồi ký? Khi về già, tất nhiên rồi. Có điều các nhà văn cũng như phụ nữ, thường không thích nhận mình đã già.
Họ ngại rằng viết hồi ký, rồi hồi ký được xuất bản, có nghĩa là đời mình đã tới lúc hết.
Vậy nên cứ lần chần mãi.
Đùng một cái nhà văn qua đời mang theo bao nhiêu kinh nghiệm và từng trải xuống mồ.
 Cả Nguyễn Tuân lẫn Xuân Diệu, những khuôn mặt sáng giá bậc nhất của văn học Việt Nam trong thế kỷ này, đều không kịp viết hồi ký như vậy.
Ngoài ra có lẽ cũng nên lưu ý là cái sự hồi tưởng và suy nghĩ chỉ có ý nghĩa khi được viết bằng một ngòi bút tỉnh táo trong xét đoán việc của đời mình cũng như của thiên hạ.
 Nói cách khác, người viết chỉ được phép già trên phương diện thể chất mà không được già về mặt tinh thần.
 Nếu thiếu đi sự trẻ trung tươi mới trong cách nhìn, nếu hoàn toàn là sản phẩm của sự già nua cuốn sách sẽ trở nên không cần thiết cho ai cả.

Mấy cuốn hồi ký in ra gần đây
Từ 1945 tới nay, số lượng hồi ký văn học ở ta được in chỉ đếm trên đầu ngón tay, tính trung bình vài năm mới được in một cuốn.
Cũng có thời gian rộ lên, một năm hai cuốn được in.
Trong năm 1989 đó là trường hợp Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư (372 trang) và Nhớ nghĩ chiều hôm của Đào Duy Anh (284 trang – từ đây trở xuống đều ghi theo số trang bản in lần đầu).

Cuốn sách của Lưu Trọng Lư có một phụ đề rõ ràng: Nhớ lại những mối tình. Nhà thơ không định kể lại hoạt động văn học mà chỉ theo đuổi một ít kỷ niệm trong cuộc đời riêng. Nhân vật chính được nói ở đây, ngoài Lưu Trọng Lư, là người vợ thứ của ông. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn thấy trong cuốn sách đan xen vào đoạn nhắc nhở tới một trong hai người bạn cũ của tác giả.
Chẳng hạn như Nguyễn Tuân.
Thanh Hoá là nơi đóng đô của người xê dịch Nguyễn Tuân, tôi không hiểu sao số mệnh lại vấthắn vào đời tôi… 
Nếu có điểm giống giữa hắn và tôi, đại thể vì tôi là cái mặt trái của Nguyễn Tuân và ngược lại. 
Chỗ Tuân rộng lượng dung tha thì tôi ích kỷ. 
Chỗ Tuân ích kỷ thì tôi dung tha… 
Tôi vốn ăn thế nào, mặc thế nào cũng được, trái lại Nguyễn Tuân ăn theo kiểu Tản Đà. 
Chỗ ở phải là tổ của phượng hoàng và mặc thì phải như ông hoàng tây (tr. 34)… 
Văn chương của tôi Tuân chả thú gì, thơ tôi hắn không thuộc một câu nào. 
Còn Vang bóng một thời của Tuân, đối với tôi chỉ là loại văn chương nửa ta, nửa tàu, lồm cồm, cầu kỳ  (tr. 35). 
Sau Cách mạng tôi vẫn là đứa chồm chồm Tuân vẫn là thằng ngất ngưởng (tr. 36).
Đọc những đoạn ấy, người đọc tiếc rẻ, hoài quá,giá Lưu Trọng Lư viết hẳn một cuốn hồi ký về đám bạn bè này thì hay biết bao nhiêu!

Đào Duy Anh ghi ở đầu cuốn Nhớ nghĩ chiều hôm: Những đêm mất ngủ vì tuổi già tôi muốn ôn lại quãng đường mình đã trải qua, để ghi lại những đắc thất của mình…”.
 So với trường hợp của Lưu Trọng Lư,  con người xã hội của tác giả hồi ký được tô đậm hơn.
 Tuy vậy, những chi tiết bất ngờ, những thú nhận bột phát, thường là cái chất muối mặn làm nên phong vị đậm đà của một cuốn hồi ký thì ở Nhớ nghĩ chiều hôm còn thiếu.
 Riêng 100 trang cuối của cuốn sách lại nghiêng hẳn về học thuật, tác giả đi vào trình bày một số nhận thức của mình về Khổng học, Phật học, vai trò tri thức trước vận mệnh của dân tộc.
 Đọc những đoạn này không phải là không thú vị (nhất là chương 14 Đối thoại với một nhà đạo học hiện đại là Cao Xuân Huy) song chưa hẳn là cái thú vị của một cuốn hồi ký.
 Có điều Đào Duy Anh viết xong Nhớ nghĩ chiều hôm từ cuối 1972, tức là 16 năm trước khi ông mất và 17 năm trước khi sách được in.
Hoàn cảnh lúc bấy giờ (1972) chưa cho phép tác giả nhìn lại đời mình một cách công bằng thấu đáo. Đến lúc cuộc sống đã mở ra cho ông một viễn cảnh rộng rãi hơn để tự suy xét thì ông đã quá già, không thể viết lại nữa.

Sau đây là một vài cuốn khác mới in đầu những năm chín mươi.
Hồi ký Trần Huy Liệu (560 trang). Cuốn sách được in ra hơn hai chục năm sau khi tác giả qua đời. Nó không phải là một chỉnh thể được viết theo một cách nhất quán, mà thực ra là một sưu tập gồm nhiều đoạn hồi ký, tác giả viết ra trong những thời điểm khác nhau, với những mục đích cũng khác nhau.
Song chỉ có thể, cũng đã rất quý, bởi tác giả cuốn sách là một nhân vật của lịch sử Việt Nam hiện đại, trong cuộc đời gần bảy chục năm, ông đã có dịp tham dự vào nhiều sự kiện lớn.
Hơn nữa, ngòi bút nhà sử học ấy có lúc đồng thời là ngòi bút của nhà thơ.
Nhiều sự kiện được ông kể lại sống động như những kỷ niệm riêng.
 Do quan niệm đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, những người biên soạn hồi ký Trần Huy Liệu còn làm thêm 24 trang sách dẫn (index), riêng việc này cũng đã chứng tỏ tầm vóc mà cuốn sách vốn có.

Nhớ bạn của Nguyễn Lương Ngọc (170 trang). Tác giả là một nhà nghiên cứu văn học, đồng thời là một nhà giáo lâu năm, từng trải nhiều, giao du rộng. Cuốn sách giống như một bó hoa khiêm tốn. Nguyễn Lương Ngọc tiện tay lượm lại từ ký ức của mình – những kỷ niệm đẹp về các bạn bè đồng nghiệp – để trình ra với các thế hệ về sau.
Cát bụi chân ai của Tô Hoài (bản in đầu 296 trang) đặt bên cạnh lối viết “hương hoa” của Nguyễn Lương Ngọc – “hương hoa” là chữ đặt ở bìa 4 của cuốn Nhớ bạn – thì cách làm của Tô Hoài hầu như hoàn toàn ngược lại.
Càng ngẫm nghĩ về những điều Tô Hoài đã viết, người ta càng cảm thấy những điều ông biết về Nguyễn Tuân, và rộng hơn, về nghề văn, còn lắm khía cạnh thú vị mà hy vọng ông sẽ trở lại trong một dịp khác.

Sống giữa tình thương của Trần Thị Như Mân, tức bà Đào Duy Anh (88 trang). Không khí dồn nén bao trùm tác phẩm, gợi cho người ta cảm tưởng đây là những gì tác giả vốn đào sâu chôn chặt trong lòng, nay mới có dịp chia sẻ.
 Lời kể từ tốn, cách viết điềm đạm, song không phải vì thế mà người đọc không nhận ra những điều người viết không tiện nói, không muốn nói ra trực tiếp. Cuốn sách là một gợi ý: bên cạnh các nhân vật quan trọng thì những người thân của họ, cũng có thể là tác giả của những hồi ký có khả năng hé mở những “chuyện riêng” của các nhân vật lịch sử và do đó, có sức thuyết phục.

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (578 trang) và Hơn nửa đời hư của Vương Hồng Sển (604 trang). Hai tác giả vốn có nhiều điểm chung: cùng là những trí thức được nhiều người biết tiếng ở Sài Gòn trước 1975. Cùng thích lối viết trực tiếp và khá kỹ lưỡng trong việc dựng lại quá khứ. Song hai cuốn hồi ký lại có sắc thái hoàn toàn khác nhau.
Như xưa nay vẫn vậy, Nguyễn Hiến Lê có phong thái của một nhà giáo, hồi ký của ông vừa bao quát tình hình xã hội những năm ông sống, vừa thứ tự lớp lang rành mạch, và có cái thân tình tự nhiên khi dẫn ra những chuyện tâm tình mà người đọc hồi ký thường chờ đợi.
Trong cái vẻ riêng cẩn trọng và thành thực, cuốn sách giống như những lời tâm sự cuối cùng mà tác giả muốn để lại với người đời.

Về phần mình, Vương Hồng Sển trong Hơn nửa đời hư hiện ra như một ông già Nam bộ bộc trực, có vẻ gặp đâu kể đấy, nhưng dừng lại ở chỗ nào thì nói thật cặn kẽ, đôi khi càng những khía cạnh người khác không tiện nói, cách nói của ông càng duyên dáng, hấp dẫn.
 Trong khi hồi ký Nguyễn Hiến Lê mực thước, mức độ và giữ được cái phải chăng của bậc thức giả, thì hồi ký Vương Hồng Sển như một mạch ngầm tự nhiên, bột phát, đúng là viết “không có plan” (dàn bài)”, dự định xong là  “ngồi vào máy gõ lóc có cho đỡ sầu, mặc cho nó tuôn”.
Đặc biệt, cái tên tập sách Vương Hồng Sển ngạo nghễ như một thách thức: Hỡi những ai thích bốc thơm đời mình trong hồi ký, tôi đây cóc cần, những thứ đó, tôi biết rất rõ sở dĩ bạn đọc mê tôi, vì tôi kể cả chuyện hư của đời mình chứ không làm bộ làm dáng rằng mình cao xa so với họ
Cố nhiên không thể nói cuốn hồi ký nào cũng nên viết như Hơn nửa đời hư song phải nhận cách làm của Vương Hồng Sển là một thứ phá cách có cái lý riêng của nó, nó đáng được coi như một sự dũng cảm, để khiến cho hồi ký đạt tới độ tin cậy cần thiết.

Vài lời bàn thêm
a. Về mối quan hệ giữa hồi ký với các thể văn hư cấu
Có được những sáng tạo lớn bao quát thời gian, tổng kết lịch sử nhất là khi sự sáng tạo ấy được đúc kết trong một thể văn xuôi lung linh – như tiểu thuyết – thì ai mà chẳng ao ước.
Nhưng kinh nghiệm đời sống văn học mấy chục năm nay cũng mách bảo với chúng ta rằng những sáng tạo chân chính cần đến rất nhiều thể nghiệm, hơn nữa còn cần đến cái bệ đỡ vững vàng của văn hoá.
Những điều ấy, không phải một sớm một chiều mà có ngay được.
 Trong khi đó như nguời ta vẫn nói, với tư cách một sự sáng tạo tuyệt vời của tạo hoá, luôn luôn biến thiên, đa dạng, kỳ ảo, đời sống từng biết tới những tính cách lạ lùng, những số phận không bao giờ lặp lại.
Phải chăng giữa hai thể hồi ký và tiểu thuyết, sự đặc cược của xã hội vào hồi ký là thiết thực hơn dễ đạt hiệu quả hơn? Có được sự hỗ trợ của các hồi ký, rồi ra sự sáng tạo của các nghệ sĩ sẽ hữu hiệu hơn, và như thế sự xuất hiện ngày một nhiều các hồi ký tốt, là bước chuẩn bị chắc chắn cho những tiểu thuyết chín đẹp trong tương lai.
b. Về tính chân thật, và những hấp dẫn của việc đọc và viết hồi ký
Không ai ấm đầu tới mức tuyên bố rằng những trang hồi ký mình viết ra là bịa dặt, giả tạo.
Tính chân thật là yêu cầu thứ nhất đặt ra với một cuốn hồi ký, tưởng như không chân thật thì nó không có lý do tồn tại.
 Song, nếu có dịp đọc hàng loạt hồi ký, cùng lúc với việc nhận ra rằng sự thật là một cái gì muôn màu muôn vẻ, người ta vẫn không tránh khỏi cảm tưởng cuốn này thật hơn, cuốn kia đắp điếm tô vẽ. Hoá ra chân thật là một cái gì rất khó, không phải cứ muốn là được.
Vấn đề không chỉ ở tấm lòng mà còn ở trình độ tự nhận thức của mỗi ngòi bút.
Sẽ là sai lầm nếu tưởng rằng viết hồi ký là chuyện dễ dàng. Để hiểu đúng người đúng mình để đưa ra bức tranh chân dung chân thật, trong lòng người viết phải trải qua một cuộc vật lộn. Song chính vì thế việc viết hồi ký lại có cái sức quyến rũ của những sáng tạo chân chính và việc đọc hồi ký không mấy khi là chuyện nhàm chán.


                                                                   Ba cách thức khác nhau 
                                                 để các nhà văn  cùng dẫn bạn đọc
                                                                              trở lại quá khứ

Mặc dù vẫn nhớ tới câu nói khinh bạc  Ehrenburgnhớ cho lắm chỉ tổ mệt ngườisong nhiều nhà văn ở ta hiện nay vẫn bằng cách này hay cách khác hướng ngòi bút của mình vào việcnhớ lại và suy nghĩ. Công việc của ba nhà văn Nam Bộ chúng tôi nói tới trong bài này là một ví dụ.

Sơn Nam
Gần đây, mỗi khi có dịp làm các bộ phim về đời sống xã hội ở các tỉnh Nam Bộ trong thời cận hiện đại, các hãng phim nước ngoài thường vẫn mời nhà văn Sơn Nam làm cố vấn về lịch sử và dân tộc học. Bởi tác giả những Bến Nghé xưa, Hương rừng Cà Mau, Văn minh miệt vườn… là một nhà văn rất quan tâm đến phong tục. Trong ông luôn luôn có con mắt nhìn của nhà nghiên cứu.
Được gọi là bút ký, song cuốn sách mới nhất của Sơn Nam mang tên Một mảnh tình riêng có những nét của một cuốn hồi ký hoặc tự truyện.
Có điều, đây là một cuốn sách có bố cục rất thoải mái. Nhớ gì ghi nấy, tác giả để mặc cho dòng liên tưởng của mình vận động, và người ta chỉ cảm thấy đuợc tiếp xúc với một tác phẩm thống nhất do nơi giọng điệu của nó.
 Ở đây không chỉ có những chuyện riêng tư có liên quan đến cuộc đời gần 70 năm làm nghề và gần nửa thế kỷ cầm bút của Sơn Nam mà còn có rất nhiều chuyện xưa tích cũ, liên quan đến đồng bằng Nam Bộ rộng lớn và trái tim của nó, là thành phố Sài Gòn thân yêu của bao thế hệ người Việt.
Không quan trọng hoá, không coi thường hoặc đùa bỡn, Sơn Nam kể lại mọi chuyện một cách nhẹ nhàng, từ tốn.
Từ chuyện hình thành một tên đất tên làng ở mảnh đất cực nam của Tổ quốc, chuyện các thế hệ cha ông xưa thường truyền về những ngày Pháp mới chiếm Nam Bộ…, tác giả nhanh chóng bắt sang chuyện quê hương và gia đình, chuyện những ngày sau hiệp nghị Geneve, từ chiến khu, bỡ ngỡ về Sài Gòn làm văn làm báo.
 Chưa hết! Nhiều lúc, tác giả còn đả động đến những vấn đề lớn lao, nào đặc tính của thành phố Sài Gòn là gì, văn  hoá Việt Nam ở các tỉnh Nam bộ ra sao, hoặc những lời đồn đại và thực chất của một vài sự kiện cùng nhân vật lịch sử.
Với người viết sách – mà có lẽ với tất cả chúng ta cũng vậy – cuộc sống vô vàn biến hoá, nhiều chuyện động trời động biển, lại cũng nhiều chuyện lặt vặt ngẫu nhiên, vậy mà cái nọ lẫn cái kia đều không sao quên nổi!
 Nhất là, nếu ai để ý hẳn thấy, trong những điều Sơn Nam coi là đáng nhớ, là làm cho cuộc sống của ông có thêm ý nghĩa, bao giờ cũng có chỗ xứng đáng cho những cuốn sách, những trang báo, cũng là kiếp sống đa đoan của những người trót nhận lấy việc cầm bút làm nghề nghiệp.
 Được ông nhắc nhở với nhiều trân trọng, không chỉ có những Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu… xa xưa, mà còn những người đương thời, Lý Văn Sâm, Nguyễn Ngu ý, Bình Nguyên Lộc… Thành thử, ngoài giá trị khảo cứu, cuốn bút ký của Sơn Nam còn có bóng dáng một cuốn tự bạch về nghề văn nữa.

Trang Thế Hy
Cũng như Sơn Nam, Trang Thế Hy sinh vào giữa những năm 20 (một người 1926 một người 1924), lại cũng là một mẫu người Nam Bộ từng trôi nổi qua nhiều biến động của thời cuộc. Chỉ có điều khác là trong khi số sách đứng tên Sơn Nam khá nhiều và cũng khá đa dạng, thì Trang Thế Hy viết hơi ít, chỉ thỉnh thoảng ông mới cho in một tập truyện ngắn.
Song có lẽ vì thế mà mặc dù được gọi là truyện, song chất hồi ký ở tác phẩm của Trang Thế Hy vẫn khá sâu đậm.
Mỗi truyện được ông viết ra đều là một dịp để tác giả trong khi kể lại một ít kinh nghiệm sống, đồng thời ngẫm nghĩ thêm về lẽ đời, một cuộc đời rất nhiều đen bạc, song vẫn luôn luôn có chút gì đó đáng để cho người ta sống.
Còn nhớ, sau khi đọc thiên truyện Con cá không biệt tăm (in trong Truyện ngắn Việt Nam 1945-1985) một người bạn trẻ đã nói đùa với Trang Thế Hy “Đó là loại truyện, viết xong, người ta có thể buông bút được”.
Nay thì trong Tiếng hát và tiếng khóc người viết vẫn cứ lối viết “tổng kết cuộc đời” ấy mà tiếp tục. Tác phẩm được xác định là truyện ngắn và hồi ức, song hầu như thiên truyện nào in vào đây cũng mang đậm tính cách hồi ức.
Có truyện đưa người đọc trở về những năm tác giả còn thơ ấu. Có mấy truyện xoay quanh ít kỷ niệm hồi tác giả hoạt động ở Sài Gòn trước 1975. Đến cả những truyện viết về sự việc mới xảy ra một hai năm gần đây, tác giả cũng biết mang lại cho nó một sắc thái “muôn đời vẫn vậy”.
Nhân vật của Trang Thế Hy có khi là ông già làm ruộng, chị bán thuốc lá, có khi là một thiếu phụ lỡ độ đường hoặc một nghệ sĩ cải lương về già, nát rượu, khi say khi tỉnh.
 Song người nào cũng có vẻ như đọc sách nhiều.
Thích suy ngẫm và lý lẽ.
 Nhạy cảm trước vô vàn biểu hiện khác nhau của cái đẹp.
Và nói chung là hay tìm tới những khái quát lớn về đời sống.
Nghĩa là người nào cũng hao hao như tác giả!
 Nhưng cái đó không sao!
 Hiện lên sau các trang sách là một nhà văn không bao giờ quên sứ mệnh của mình, lại muốn luôn luôn trò chuyện với người đọc để nghe ngóng thêm và trải nghiệm thêm.
Về mặt bút pháp, đọc Trang Thế Hy người ta bắt gặp một lối kể chuyện chân phương, song chậm rãi, thích ngừng lại để lật xuôi lật ngược sự đời.
Cách viết đó có thể không hợp với những ai thích bươn chải và đang mải chạy theo cái đời sống chộn rộn trước mặt, nhưng với những người sẵn sàng đồng tình với A. France “xem việc gợi lại kỷ niệm là một việc làm dịu ngọt” – thì lại là một cách viết thích hợp.

Hoàng Văn Bổn
Tuy chỉ trẻ hơn Sơn Nam và Trang Thế Hy dăm tuổi nhưng Hoàng Văn Bổn thuộc về một lớp nhà văn có số phận khác hẳn.
Sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp trong khi Trang Thế Hy, Sơn Nam tạm về Sài Gòn, thì Hoàng Văn Bổn tập kết ra Bắc và ngòi bút từng viết nên Vỡ đất (giải thưởng Cửu Long Giang 1952), tại viết tiếp Mùa mưa, Trên mảnh đất này, Có những lớp người… cùng là nhiều kịch bản phim khác.

 Sau những năm tháng hoạt động sôi nổi với tư cách là một chiến sĩ cầm bút, hình như Hoàng Văn Bổn cảm thấy nay là lúc có thể ngoái nhìn lại cả cuộc đời mình.
Năm 1993, ông đã có Vũ trụ (Nhân tình thế thái), một cuốn sách có tính cách ghép mảng, gồm nhiều mẩu hồi ức ráp lại. Năm 1994, ông lại cho in Một ánh sao đêm, cuốn hồi ký trọn vẹn, ở đó tác giả kể lại nhiều kỷ niệm suốt từ ngày còn là chiến sĩ tiểu đoàn 307 đến những ngày đầu của cuộc kháng chiến lần thứ hai, ông cùng nhiều anh em viết văn làm báo đến với những binh trạm trên đường 559. Thói quen của người viết tiểu thuyết quả đã giúp nhiều cho ngòi bút hồi ký của Hoàng Văn Bổn.
Một ánh sao đêm có lối trình bày lại sự kiện mạch lạc, sáng rõ và bao quát được một thời gian dài của đời sống văn nghệ, nhất là những năm từ 1975 về trước.

Đọc cuốn hồi ký có thể có người bảo đây toàn là chuyện mới xảy ra gần đây thôi, có gì mà phải “hồi cố” sớm thế!
 Song nếu nhớ rằng Hoàng Văn Bổn đã có một cuộc đời cầm bút liên tục trên bốn chục năm người ta có thể nghĩ khác. Lớp nhà văn chủ yếu trưởng thành từ sau 1945 những Vũ Cao, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khải, Giang Nam, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… là một thế hệ cầm bút đặc biệt trong lịch sử văn học. Họ có những từng trải riêng, kinh nghiệm và cách tồn tại riêng. Nay phần lớn họ đang ở trước ngưỡng của của tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ngoài các tác phẩm đã in, những gì họ trực tiếp kể lại trong các hồi ký nhất định là đáng để tham khảo khi suy nghĩ về tương lai.

Còn hai bài ngắn nữa về hồi ký1990-2000, sẽ in trong phần tiếp


Mới hơn Cũ hơn